Sau nhiều cuộc họp bàn giải pháp giữa các chính quyền TP.HCM và doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn, nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc phát triển nhà giá rẻ, nhưng dường như đây vẫn là bài toán khó với thành phố đông dân nhất cả nước này.
Giấc mơ xa vời
Anh Trần Xuân
Tình, giáo viên cấp 3 tại quận Bình Thạnh, TP.HCM cho biết, với mức thu nhập
dưới 10 triệu đồng/tháng, anh luôn mong có căn nhà ở thành phố, không cần quá
rộng, chỉ cần vừa đủ ở nhưng sạch sẽ, ấm cúng, ngăn nắp, là nơi che chở mưa
gió…
“Ấy vậy ước mơ
đó đang ngày càng xa vời với những người có thu nhập thấp như chúng tôi. Đặc
biệt, hiện nay, giá nhà thì tăng, trong khi các cơ chế hỗ trợ về tài chính vô
cùng hạn hẹp”, anh Tình nói.
Anh Tình, quê
ở Quảng Bình, vào TP.HCM học và ở lại lập nghiệp, rồi lấy vợ. Vì không có nhà,
nên tới nay, anh không có hộ khẩu Thành phố và vẫn phải làm giáo viên dạy hợp
đồng 7 năm nay, bởi cơ chế của TP.HCM là phải có hộ khẩu thành phố mới được ký
hợp đồng biên chế.
Hơn 10 năm ở
nhà thuê, anh Tính thấu nỗi khổ mỗi lần chủ nhà thông báo lấy lại nhà. Khi đó
lại thêm một lần long sòng sọc, lục lọi mọi website, fanpage để tìm nhà mới.
Thế nhưng, tìm nào có dễ, cái vừa tiền, an ninh đảm bảo thì xa chỗ làm quá, cái
ở gần thì an ninh không tốt, giá cao, cái thì điện nước bất cập… Bởi vậy, ai
cũng muốn có một ngôi nhà thuộc về riêng mình.
Sau niềm vui là nỗi lo
Hơn 1 tháng
trước, vợ chồng anh Vân, ngụ quận Bình Chánh tổ chức tân gia. Anh Vân kể, nằm
trong căn nhà mới mà cả tuần vợ chồng không thể ngủ được vì vui sướng, bởi cuối
cùng cũng hết kiếp lang bạt hết nhà trọ này tới nhà trọ khác. Tuy nhiên, sau
niềm vui là nỗi lo, vì để mua được nhà, vợ chồng anh Vân phải vay 700 triệu
đồng với lãi suất gần 10%/năm trong vòng 20 năm. Nếu cứ trả cả nợ lẫn gốc đủ
thời hạn, thì tính ra mất cũng xấp xỉ thêm 700 triệu đồng. Do đó, hai vợ chống
tính toán sẽ làm lụng vất vả hơn để nhanh chóng tất toán khoản nợ vay mua nhà.
“Kế hoạch đó cũng tạm gọi là ổn, bởi lẽ,
hai vợ chồng tôi chịu khó tiết kiệm và cũng đang có thu nhập tương đối cao. Thế
nhưng, nhìn đi nhìn lại, vẫn còn đâu đó những khoản chi phí phát sinh ngoài dự
kiến chưa thể nói trước được. Thôi thì đành liều vậy chứ biết làm sao?!”, anh
Vân nói.
Cầu cấp
bách, cung đủng đỉnh
Ông Nguyễn
Đình Trung, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Hưng Thịnh Corp cho biết, hiện tại
mỗi năm, 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM đón khoảng 50.000 - 60.000 gia
đình trẻ, nên nhu cầu về nhà ở rất lớn. Chưa kể, còn số lượng những người độc
thân nhưng ngán ngẩm cảnh phải phiêu bạt "nay đây, mai đó" muốn có
một căn nhà riêng cũng tăng dần.
Với những đối
tượng này, để có ngay 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng mua nhà là rất khó khi mới
bắt đầu cuộc sống hôn nhân. Cặp nào may mắn thì nhận được sự hỗ trợ của bố mẹ,
nhưng cũng chẳng nhiều, đặc biệt với người ngoại tỉnh. Vì thế, có giỏi mấy thì
đa phần phải mất 5 năm, không thì 10 năm mới may kiếm đủ tiền mua một căn nhà.
“Trong khi
TP.HCM cần người trẻ, giỏi, nhiệt huyết… để xây dựng Thành phố phát triển,
nhưng lại không giải quyết được vấn đề an cư. Các hiệp hội, doanh nghiệp,
chuyên gia khiến nghị thì Thành phố nói thiếu quỹ đất, trong khi hỗ trợ chính
sách, thì đợi mãi vẫn chưa triển khai”, ông Trung nói.
Trong khi đó,
ông Trần Đức Vinh, Tổng giám đốc Trần Anh Group cho rằng, TP.HCM không thiếu
đất. Đơn cử, hàng trăm ngàn héc-ta đất tại nông trường Phạm Văn Hai đang để
hoang phí, hay tại Bình Chánh, Nhà Bè, những cánh đồng bỏ hoang, hàng trăm
héc-ta dừa nước mọc um tùm ở quận 9… Đây là quỹ đất tốt cho việc phát triển nhà
ở giá rẻ. Vậy tại sao Thành phố không có hướng phát triển thành quỹ đất xây nhà
giá rẻ?
Ông Vinh cho
rằng, chính vì Thành phố không tạo cơ chế đủ thuận lợi cho nhà đầu tư, nên hàng
ngàn gia đình vẫn mong chờ vào vào dự án nhà xã hội, mua nhà giá rẻ, lãi suất thấp thấp. Tuy nhiên, khi gói 30.000 tỷ đồng
kết thúc, trong khi chưa có gói hỗ trợ mới, thì giấc mơ sở hữu nhà của các đối
tượng này cũng tan theo.
Năm ngoái, khi
đánh giá về xu hướng thị trường, giới chuyên gia địa ốc cho biết, năm 2017 là
thời điểm căn hộ giá trung bình sẽ thống lĩnh và sản phẩm giá rẻ sẽ tràn ngập
khi có cả những tên tuổi lớn tham gia phân khúc này. Đồng thời, với việc số
lượng sản phẩm tăng, các gói tín dụng giá rẻ mới dành cho người mua nhà cũng sẽ
được đưa ra. Tuy nhiên, đã sắp hết năm, nhưng thị trường vẫn không thấy bất cứ
dự án giá rẻ mới nào xuất hiện.
Ông Nguyễn
Đăng Quỳnh, Tổng giám đốc Hiển Vinh Group cho biết, vào tháng 7 vừa qua, nhiều
người dân đã thêm lần mơ được mua nhà giá rẻ khi thông tin về gói tín dụng mới
với lãi suất thấp trị giá 2.000 tỷ đồng được triển khai thông qua Ngân hàng
Chính sách xã hội được phê duyệt. Thế nhưng, tới nay, gói tín dụng này vẫn chưa
được triển khai. Do đó, một lần nữa, giấc mơ có nhà của người thu nhập thấp vẫn
mãi xa vời.
0 nhận xét
Đăng nhận xét